Hướng dẫn SEO On-page căn bản, chi tiết

WordPress SEO 642 lượt xem

Sau quá trình Nghiên cứu từ khóa và đưa ra được bộ từ khóa tốt để SEO rồi thì yếu tố chính thứ hai khi làm SEO đó là Tối ưu On-page cho Website, cho bài viết hay còn gọi là làm SEO On-page.
Bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ kiến thức và hướng dẫn làm SEO On-page căn bản cho bạn. Cứ khi nào cần là vào tra cứu lại thôi nhé

1. Bảng kết quả tìm kiếm

Thế này nhé, chúng ta ai cũng thích cái đẹp cả. Mình lấy ví dụ khi bạn đứng trước nhiều lựa chọn mua hàng, giả sử bạn vào siêu thị và tìm mua một món đồ nào đấy. Sẽ có rất nhiều lựa chọn cho bạn ở cùng món hàng đó nhưng mẫu mã, bày trí khác nhau. Bạn sẽ chọn cái nào ? Chưa nói đến vấn đề chất lượng. Đầu tiên, nó phải đẹp và gọn gàng, bắt mắt đã. OK, đó là khi mua hàng offline.

Còn khi bạn bước vào thế giới Internet, lên Google tra cứu và tìm nơi bán một sản phẩm nào đấy, thì cái đẹp, cái bắt mắt ở đây sẽ hiện diện trên SERPs (bảng kết quả tìm kiếm) sau khi bạn nhập vào từ khóa ở thanh Search.

Hàng loạt kết quả hiện ra theo thứ tự và bạn sẽ chọn cái nào ? Chắc chắn bạn sẽ chọn một kết quả đường dẫn vào Website mà bạn cảm thấy, kết quả đó ( Tiêu đề, Dòng mô tả, Đường dẫn, Nội dung bên trong) đáng tin cậy

Lấy ví dụ cho dễ hình dung nhé. Ngày trước khi mà mình mới tìm hiểu về lĩnh vực Marketing Online này, thấy mọi người kháo nhau trên Facebook về “kiếm tiền online” gì đấy, mình cũng muốn kiếm tiền nên tò mò lên Google Search thử với truy vấn “kiếm tiền online” và hiện ra kết quả như hình .

 

Bỏ qua mấy cái quảng cáo Adwords nhé hãy nhìn tiếp kết quả tự nhiên ( organic search ) từ Google. Đập vào mắt là Title đầu tiên, thấy có từ UY TÍN với NÊN là thích rồi nhưng mà, đường dẫn rối quá, dài ngoằng đi, phần mô tả cũng không hiển thị hết, nên mình cho qua.

Nhìn xuống bên dưới, đúng kiểu, đẹp gọn đủ thông tin. Bạn click vào ngay bởi vì cái đẹp trên bảng tìm kiếm và cái đẹp trong Website khiến mình có cảm giác tin cậy, chuyên nghiệp.

Bạn thấy đó. Việc tối ưu Onpage cho trang Web là cực kì quan trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến việc người tìm kiếm có muốn vào trang Web bạn hay không mà còn ảnh hưởng mỗi cái Tỷ lệ chuyển đổi từ người Search trở thành khách hàng.  Nó còn những ý nghĩa rất tích cực khác là thương hiệu bạn sẽ chuyên nghiệp trong tâm trí khách hàng.

Và với riêng SEO thì bạn sẽ được Google ưu ái hơn rất nhiều, tỷ lệ CTR ( số lần nhấp vào) gia tăng, giữ khách hàng lại với Website bạn lâu Bounce Rate ( tỷ lệ thoát) thấp thì thứ hạng cũng sẽ gia tăng.

Tuy rằng không bao giờ chỉ Onpage tốt là sẽ có thứ hạng cao, bạn có thể thấy, thực hiện Tối ưu Onpage cho Website tốt là yếu tố rất quan trọng.

2. SEO On-page là gì ?

Vậy thì làm SEO On-page chính xác là làm gì ? Đơn giản thế này, SEO On-page là quá trình bạn tối ưu nội dung và cấu trúc Website sao cho thân thiện với bộ máy tìm kiếm Google và quan trọng là thân thiện với người dùng là con người.

Google chỉ hướng đến một sứ mệnh là mang lại giá trị thật cho người dùng. Vì vậy mà mọi thủ thuật nhồi nhét từ khóa vào site đều sẽ vô nghĩa.

3. Tối ưu Onpage bao gồm những yếu tố chính nào ?

Để thực hiện tối ưu Onpage cho một Website hay khi bạn tiếp nhận một trang web nào đấy để làm SEO cho họ, bạn sẽ quan tâm và tiến hành tối ưu những yếu tố chính sau đây.

DOMAIN– Tên miền
SITE STRUCTURE– Cấu trúc Website, một số tài liệu nước ngoài còn gọi là Website Architecture
TITLE, META DESCRIPTION, HEADING (h1-h6) – Các thẻ Tiêu đề, Mô tả, Thẻ Heading h1-h6.
IMAGE– Tối ưu hình ảnh với Alt Text
SYSTEM FILE– Các file hệ thống như robot.txt, XML Sitemap
INTERNAL LINK– Liên kết nội bộ trong site.
SPEED LOAD SITE– Tốc độ tải trang.

Khá là nhiều yếu tố cần quan tâm trong khâu tối ưu Onpage này, nhưng bạn không phải lo. Itcenter sẽ hướng dẫn dễ hiểu nhất cho bạn. Bắt đầu vào yếu tố đầu tiên luôn nhé.

4. Domain – Tên miền – Cách chọn tên miền tối ưu cho SEO

Khái niệm này thì quá đơn giản rồi, hàng ngày các bạn sử dụng internet, lướt website, muốn đọc tin tức for Teen thì gõ “kenh14.vn” vào thanh địa chỉ ở trình duyệt, muốn đọc tin tức thế giới, xã hội thì gõ “vnexpress.vn”

Domain ( Tên miền ). Domain là một địa chỉ định danh dẫn tới một website với nội dung thông tin dữ liệu được lưu trữ trên một nền cơ sở dữ liệu Host (hay Server). Và domain là duy nhất, không trùng lặp.

Cấu trúc của Domain gồm 1 phần tên do bạn chọn và 1 phần gọi là đuôi của domain. Như bạn thấy thì ví dụ bên trên là đuôi “.com” và “.vn” . Phần đuôi của Domain rất đa dạng.

4.1. Các loại Domain và Domain dạng nào tốt cho SEO.

Cũng giống như Keyword, Domain chia thành 3 loại chính sau đây để bạn dễ tìm hiểu :

EMD – Exact Match Domain Name : Tên miền là từ khóa chính cần SEO. Rất dễ hiểu, lấy ví dụ từ khóa chính của bạn là dịch vụ “giày thùy trang”thì domain dạng EMD sẽ là giaythuytrang.com, giaythuytrang.vn…

PMD – Partial Domain Name :PMD là tên miền liên quan đến từ khóa làm SEO. Ở dạng này nếu thấy khó hiểu, bạn có thể hình dung như này.Ở Keyword, giả sử Keyword chính của mình là “Ranking with P1 App”, đây là từ khóa về lĩnh vực SEO, thì Partial Keyword có thể là các từ liên quan như SEO, Google, Ranking, Traffic. Nghĩa là nó có liên quan đến lĩnh vực của từ khóa chính. Quay lại ví dụ như trên, nếu từ khóa chính của mình là “nâng mũi hàn quốc” mình có thể chọn PMD như là :lamdep.com , muidep.com , lamdephanquoc.com…

Brand Name Domain (Tên miền Thương hiệu): Cuối cùng là dạng Domain có thể nói là khó SEO nhất, cần đầu tư nội dung chất lượng nhiều nhất, nhưng Google càng lúc càng ưu tiên xếp hạng cao cho dạng domain này.
Đây gọi dễ hiểu là Domain dạng thương hiệu . Ví dụ như Vinasocial.com , …

Với 3 loại Domain như trên thì việc lựa chọn domain nào là tùy sở thích của bạn. Ngày trước thì domain dạng EMD dễ SEO hơn, nhưng với sự cập nhật thuật toán liên tục và hướng tới người dùng thì dù domain dạng này, bạn cần tập trung vào xây dựng và phát triển nội dung chất lượng cho website. Branded Domain được khuyến khích hơn vì có thể phát triển nội dung rộng, xây dựng được thương hiệu riêng cho website.

4.2. Một vài lưu ý khi chọn mua tên miền

Sau khi đã mua xong tên miền chưa bị trùng lặp, bạn hãy vào Who.is để kiểm tra xem có đúng thông tin người sở hữu tên miền đó là thông tin của bạn hay không. Để tránh những điều không hay xảy ra về sau.
Khi mà website của bạn có tiềm năng, nếu thông tin không phải của bạn thì người khác dễ dàng lấy lại nó một cách “đúng luật”. Nếu bạn làm doanh nghiệp và thuê nhân viên SEO thì cũng nên lưu ý điều này để tránh những rủi ro không hay xảy ra.

Một tên miền hay, hiệu quả sẽ chứa những thành tố sau :

Thương hiệu ( đôi khi không cần thiết lắm, tùy mục đích của bạn là gì nữa)
Chứa từ khóa.
Ngắn gọn, dễ nhớ.
Mua thời gian dài.
Và một lưu ý là, hãy mua nhiều tên miền đuôi khác nhau : .com/.net/.org…

Vì sao bạn hãy mua nhiều đuôi khác nhau. Giả sử khi bạn nhắc đến trang mua hàng thương mại điện tử “cùng mua” hay “mua chung” hay “giay thuy trang” , mình chắc chắn là rất nhiều bạn chỉ nhớ được cái thương hiệu nó là thế chứ không nhớ chính xác được là “cungmua.com hay cungmua.vn” ;“muachung.com hay muachung.vn”; “giaythuytrang.vn hay giaythuytrang.com ..

Đó là lý do bạn cần phải mua đa dạng đuôi tên miền cho cái tên bạn đã chọn. Tránh việc bạn xây dựng được một Brand lớn, tên gọi ăn sâu vào tiềm thức khách hàng nhưng lại bị mất khách hàng vào tay một công ty khác cũng chọn tên tương tự và đuôi tên miền khác bạn ( và biết đâu họ lên top giỏi hơn bạn ) thì xem như bạn mất trắng.

Cuối cùng là mình khuyên bạn hãy đầu tư, chọn mua tên miền, hosting ở những nhà cung cấp lớn, uy tín, đảm bảo support tốt như : Godaddy, Namecheap… có thể săn coupon giá rẻ, chứ đừng mua ở những nguồn bán tên miền trôi nổi không đảm bảo nhé.

5. Site Structure – Cấu trúc Website

5.1. Cấu trúc Website là gì ?

Site Structure – Cấu trúc Website bạn có thể hiểu nó đơn giản như là bộ khung xương của một căn nhà, ngôi nhà có cấu trúc phòng khách, phòng ngủ, gian nhà chính. Một website cũng như thế, bạn sẽ có trang chủ (Homepage) và những trang con.

Và việc bắt tay vào xây dựng cấu trúc Website hay xem xét lại cấu trúc của trang web hiện có là điều cực kì quan trọng ở giai đoạn đầu tiên của SEO.

Cấu trúc website bao gồm trang chủ , trang danh mục, trang sản phẩm

5.2. Vì sao cần chú ý xây dựng cấu trúc Website phù hợp ngay từ đầu ?

Bạn xây dựng nên một cấu trúc cấp bậc rõ ràng cho từng page, category của site mình, việc làm này hướng tới lợi ích là giúp cho Google Crawler dễ dàng thâm nhập vào trang web bạn và với một cấu trúc rõ ràng, trang web bạn sẽ được đánh giá cao.

Bạn xây dựng cho website của mình, ngoài việc bảo đảm đủ những tiêu chí giúp Google đánh giá cao thì điều tối quan trọng, là web phải thật sự thân thiện với người dùng.

Với một cấu trúc Website rõ ràng, sẽ giúp gia tăng chỉ số DA cho trang web của bạn bởi các liên kết trong trang được phân bố hợp lý, đồng đều. Về lâu dài, khi trang web của bạn có nội dung tốt và bền vững, sitelink của trang web sẽ hiển thị trên SERPs rất đẹp và chuyên nghiệp, giúp gia tăng tỷ lệ CTR đáng kể. Và còn những lợi ích khác, trong quá trình làm SEO bạn sẽ tự khám phá ra được.

5.3. Ví dụ minh họa cấu trúc Website – Cách chọn từ khóa đúng để SEO dựa vào Site Structure

Bên dưới đây là một cấu trúc site minh họa cho bạn dễ hình dung. Giả sử trang web của bạn chuyên về bán Túi xách. Cấu trúc website sẽ xây dựng như sau :

Để chọn từ khóa để SEO cho từng trang. Luôn xây dựng cấu trúc Website trước tiên, vẽ nhiều cấu trúc và chọn cái phù hợp nhất cho mục đích kinh doanh của bạn. Dựa trên cấu trúc website, phân bổ từ khóa SEO phù hợp.
Luôn có sự xem xét qua lại giữa cấu trúc website và nghiên cứu/ chọn lọc từ khóa.

6. Tối ưu Title, Meta Description, Heading H1-H6

6.1. Tối ưu thẻ Title – Thẻ tiêu đề.

Thẻ Title thì có Title cho Site và Title cho bài viết . Nhưng một Thẻ tiêu đề tốt, tối ưu, hiệu quả cho SEO sẽ đảm bảo những tiêu chí sau đây :

– Độ dài tiêu đề từ 65-70 ký tự tính cả khoảng trắng.

– Tiêu đề là riêng biệt cho mỗi trang.

– Tiêu đề ngắn gọn, bật lên nội dung chính cần mô tả. Bắt đầu tiêu đề bằng từ khóa chính là một lựa chọn rất tốt. Cần có chứa từ khóa chính và quan trọng hơn, nó có nghĩa hay với người dùng là được.

– Rõ ràng, nêu lên nội dung chính muốn đề cập đến.

6.2. Tối ưu thẻ mô tả Meta Description.

Tương tự như Title, thẻ mô tả luôn đi đôi với tiêu đề, và nó cũng sẽ tối ưu khi đảm bảo các yếu tố sau :

– Độ dài thẻ mô tả từ 140-155 ký tự.

– Ngắn gọn, súc tích, thu hút, chứa từ khóa và nêu bật vấn đề người dùng cần.

– Tối ưu CTR.

6.3. Sử dụng hiệu quả Thẻ Heading H1-H6 hỗ trợ tối ưu Onpage cho bài viết.

Các thẻ Heading này có mục đích là giúp bạn nhấn mạnh nội dung, mức độ quan trọng của các dòng tiêu đề qua định dạng khác nhau về màu chữ, độ lớn, độ đậm font chữ mà bạn có thể tùy chỉnh theo ý thích.

– Từ khóa quan trọng nên chứa trong thẻ H1, H2.

– Mỗi trang chỉ nên sử dụng 1 thẻ H1, 1 thẻ H2 và nhiều thẻ H3, H4, H5 tùy sự phân bố nội dung.

7. Một vài lưu ý tối ưu nội dung cho trang.

Ở bài viết này Itcenter sẽ điểm qua một vài lưu ý cho bạn khi thực hiện tối ưu lại nội dung cho trang.

–  Luôn ghi nhớ, viết nội dung cho người dùng, không viết cho công cụ tìm kiếm. Có rất nhiều người áp dụng kỹ thuật ẩn nội dung, Cloaking, hiển thị nội dung cho con bọ riêng và cho người dùng riêng. Điều này là không nên. Vì bất cứ một hành vi không đúng luật nào mà bạn sử dụng, Google sẽ luôn tinh vi trong việc phát hiện ra và loại trừ ngay lập tức.

– Đảm bảo từ khóa chứa trong các Thẻ tiêu đề, Mô tả.

– Từ khóa nên xuất hiện trong Thẻ Heading H1, H2. Và xuất hiện trong 100 kí tự đầu tiên của bài viết.

– Mật độ từ khóa (KEYWORD DENSITY) là tỷ lệ % giữa số lần xuất hiện từ hay cụm từ khóa so với tổng số từ hiển thi trong trang web của bạn. Mật độ từ khóa của một trang nên từ 1-5%. Tuyệt đối không nhồi nhét, chèn hàng loạt từ khóa vào trong site.

8. Tối ưu hình ảnh trên site

Bộ tìm kiếm chỉ đọc được Text và không có khả năng đọc nội dung ảnh. Xu hướng hiện nay, Google rất khuyến khích và ưu ái những bài viết đầu tư nội dung hình ảnh, infographic… Công cụ tìm kiếm sẽ đọc nội dung ảnh của bạn thông qua nội dung dạng Text bạn điền vào thẻ ALT và tên file ảnh.

Lưu ý, luôn luôn đặt tên file ảnh trước khi upload. Trong khi upload, điền từ khóa cần hướng đến vào thẻ ALT. Tên file ảnh nên lưu dưới dạng từ khóa và các từ cách nhau bằng dấu gạch nối “-“

9. Sử dụng đường dẫn URL thân thiện với người dùng và bộ máy tìm kiếm

– Đường dẫn sẽ hiển thị trên thanh địa chỉ khi bạn truy cập vào một trang bất kỳ trên site.

– URL của đường dẫn nên dễ hiểu, chứa từ khóa.

– Có dấu gạch “-” thay cho các khoảng trắng.

– Nếu sử dụng WordPress, bạn chỉ cần vào Setting -> Permalinks và tick chọn kiểu đường dẫn Post name là xong.

10. Các file hệ thống – robots.txt, sitemap.xml .

10.1- Robots.txt

 

Hình ảnh minh họa cho tính năng và cơ chế hoạt động của bọ tìm kiếm khi đi qua hệ thống có tập tin robots.txt.

File Robots.txt là gì ?

Nếu gọi làm SEO Onpage là đi tối ưu cho bề mặt và cấu trúc ngôi nhà của bạn thì file Robots.txt này như một người giữ cửa, cho phép bọ tìm kiếm tìm đến và thâm nhập vào đây. Robots.txt là một tập tin văn bản đơn giản có đuôi .txt, được đặt trong thư mục gốc của Website ngang cấp với file index.php.

Tập tin này chứa các câu lệnh có tính điều hướng giúp cho việc quản trị Website trở nên thuận tiện trong việc thiết lập quyền truy cập của bọ tìm kiếm, trang nào cần được index và trang nào không cần, không được lập chỉ mục.

Hướng dẫn tạo file robots.txt đơn giản tối ưu Onpage cho site WordPress

File robots.txt rất đơn giản, bạn có thể sử dụng Notepad có sẵn trong máy tính để tạo nó. Mẫu file robots của WordPress có dạng như sau :

User-agent: *

Disallow: /wp-

Disallow: /feed/

Disallow: /trackback/

Giải thích các thuộc tính :

User-agent : * có nghĩa là tất cả những robot tìm kiếm từ các SE (Google, Yahoo và Bing) nên sử dụng hướng dẫn này của bạn để tìm kiếm trang web.
Disallow: /wp-: dòng code này báo cho công cụ tìm kiếm biết nó không nên index ở những file của WordPress bắt đầu bằng wp-.

Đoạn mã ví dụ :

User-agent: *

Disallow: /wp-admin/

Disallow: /wp-includes/

Disallow: /search?q=*

Bạn chỉ cần tạo file với cấu trúc như trên và upload vào folder của website là xong.

10.2 – Sitemap.xml

Sitemaps là gì ? Sitemaps là sơ đồ của Website (bao gồm hình ảnh, nội dung, dữ liệu…) giúp cho người dùng và Google Bot dễ dàng thực hiện việc tìm kiếm nhanh để tìm ra thông tin cần thiết cũng như dễ dàng di chuyển toàn bộ site thông qua các đường link có trên website của bạn.

Nhiệm vụ của Sitemaps là làm bản đồ cho các công cụ tìm kiếm thu thập thông tin của website một cách hiệu quả và cập nhật những thay đổi trên website của bạn.

11. Xây dựng liên kết nội bộ (Internal Link)

11.1- Liên kết nội bộ là gì ?

Internal Link được xem là một backlink trỏ đến một trang khác trên cùng một website của bạn.

Liên kết nội bộ của website nếu được tối ưu tốt, sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ Bounce Rate (tỷ lệ thoát), giữ người dùng ở lại trang web của bạn lâu hơn, click vào nhiều liên kết hữu ích và sẽ góp phần gia tăng thứ hạng website.

11.2 – Một vài phương thức xây dựng backlink nội bộ hiệu quả.

Để có thể xây dựng liên kết nội bộ được nhiều và bảo đảm tự nhiên, thì trước tiên bạn phải đầu tư xây dựng nhiều nội dung cho site. Các nội dung phải liên quan đến chủ đề chính của bạn.

Ví dụ bạn muốn SEO cho trang web bán đàn guitar, bạn cần viết những bài Blog dạng Tips, Tricks như : Hướng dẫn tự học guitar tại nhà cho người mới, Cách chọn mua đàn guitar bền, tốt…

Và để cho việc xây dựng backlinks nội bộ thật tự nhiên thì bạn nhất định phải đa dạng hóa Anchor Text. Anchor Text không phải lúc nào cũng là từ khóa cần SEO. Nhưng nó phải liên quan tới nội dung của trang bạn trỏ liên kết đến.

Ví dụ từ khóa mình cần SEO cho bài viết này là “hướng dẫn seo onpage“, anchor text sẽ có thể là những từ như : kiến thức seo onpage, làm seo onpage cho website, tối ưu onpage cho trang web…những anchor text này rất tốt và chiếm tỷ lệ cao.

Bên cạnh đó bạn hãy có thêm những anchor text tự nhiên như “tìm hiểu thêm” , “xem thêm“… và thực hiện đa dạng hóa anchor text tốt sẽ giúp trang web của bạn được tối ưu một cách tự nhiên dưới sự quan sát của thuật toán Google.

Ngoài ra, hệ thống menu và liên kết ở phần Footer của trang web cũng là những backlinks nội bộ trỏ về các page chính trong site. Không có 1 con số cụ thể rằng bạn đi bao nhiêu liên kết nội bộ là cần thiết cho 1 bài viết, hãy để mọi thứ tự nhiên, miễn sao nó cung cấp thông tin hữu ích cho người dùng.

12. Tốc độ tải trang (Speed Load Site)

Nếu người dùng khi truy cập vào website tải chậm thì họ sẽ thoát ra ngay và không muốn vào trang đó nữa. Nên tốc độ tải trang rất quan trọng. Việc tối ưu tốc độ tải trang để giảm thiểu tối đa tỷ lê thoát và giúp tạo cảm giác thoải mái lúc đầu cho người truy cập vào website. Tốc độ tải trang nên dưới 4 giây được cho là tốt nhất hiện nay.

Các công cụ kiểm tra tốc độ tải trang miễn phí : loadimpact.com; gtmetrix.com; tools.pingdom.com; webpagetest.org

Để tăng tốc PageSpeed Insight thì bạn cần thường xuyên dọn dẹp file ảnh rác, không còn sử dụng trong Media Library. Sử dụng plugin WP Super Cache, plugin miễn phí tốt nhất để hỗ trợ tăng tốc website WordPress bằng công nghệ tạo bộ nhớ đệm (cache) dành cho các website nhỏ và vừa, cụ thể là sử dụng phương thức HTML Cache.

Về cơ bản bài viết đã bao quát đầy đủ những vấn đề cần quan tâm khi tiến hành tối ưu Onpage cho Website. Trong quá trình thực hành và tìm hiểu lâu dài về SEO, bạn sẽ tự khám phá và phát hiện ra được những tips khác để áp dụng cho SEO Onpage được chuyên nghiệp hơn.

Mong rằng đây sẽ là một cẩm nang kiến thức SEO Onpage toàn tập, hữu ích cho các bạn Newbie. Với những bạn Newbie mới bắt đầu học SEO, mình hi vọng các bạn sẽ nắm vững được kiến thức chuyên môn với từng khái niệm được giải thích đơn giản và ví dụ minh họa gần gũi, thực tế, dễ hình dung.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *